Trào lưu mới dựa trên công nghệ blockchain

NFT (non-fungible token – hay dịch ra là “bằng chứng không thể thay thế về mặt pháp lý”) là một loại bằng chứng xác thực quyền sở hữu của một người đối với một tài sản kỹ thuật số (tranh ảnh, video, âm thanh kỹ thuật số…).

NFT là gì?

“Non-fungible token” là một tài sản kinh tế mã hóa (crypto economy) kỹ thuật số đại diện cho các sản phẩm và dịch vụ vật lý hay kỹ thuật số. Khái niệm “có thể thay thế” (fungible) có nghĩa tài sản này có thể được tráo đổi để có được một tài sản y hệt hay có giá trị tương đương. Một tờ tiền 10 dollar có thể được thay thế bởi một tờ y hệt hoặc 2 tờ 5 dollar. Không thể thay thế về mặt pháp lý (non-fungible) có nghĩa là một thứ không thể thay thế hay chia nhỏ thành nhiều phần – bởi vì đó là một tài sản được chứng thực là duy nhất.

Nói theo cách khác, NFT là một loại tài sản kỹ thuật số có chứa thông tin về quyền sở hữu được lưu giữ trên blockchain. NFT được dùng để xác thực kỹ thuật số các món hàng như tác phẩm nghệ thuật, vật phẩm game,… Phần lớn NFT được lưu giữ trên mạng blockchain Etherum hay các mạng blockchain khác như Flow, Solana, Polygon cũng hỗ trợ loại chứng thực số này.

Nói ngắn gọn, blockchain là một hệ thống cho phép theo dõi giao dịch gửi và nhận thông tin trên mạng Internet. Nó có chức năng như một sổ cái lưu trữ thông tin dưới dạng các khối dữ liệu (data block) được ghép lại thành một chuỗi (chain). Tài sản số duy nhất đã được lưu trên blockchain sẽ không thể bị thay đổi, mãi mãi độc nhất và đó là lý do tại sao chúng có thể đắt đến vậy.

NFT vận hành như thế nào?

NFT là một dạng chữ ký số được lưu giữ trên blockchain, công nghệ tương tự cách mà tiền mã hóa (cryptocurrency) hoạt động. Các bằng chứng số (token) đại diện cho tài sản liên kết như tác phẩm nghệ thuật số đóng vai trò xác thực tài sản là duy nhất và là phiên bản gốc. Đó có thể là một file ảnh tĩnh, ảnh động, nhạc hay bất cứ loại tệp tin kỹ thuật số nào.

NFTs ra đời như một phương pháp đăng ký quyền sở hữu đối với một tài sản đặc biệt, bao gồm tranh ảnh nghệ thuật, vật phẩm game… Tài sản số này trở thành một NFT khi nó được đánh dấu trên blockchain, nhờ đó nó được gán thêm một đoạn hash mã hóa đặt biệt. Khi đó tài sản được coi là đã được tokenized (xác thực số). Nhờ đó, bất kỳ ai cũng có thể xác minh được độ tin cậy của tài sản cũng như quyền sở hữu đối với tài sản đó, khiến cho việc làm giả tài sản đó trở nên bất khả thi.

Một tài sản càng ít phổ biến thì tài sản đó càng có giá trị. Hãy nghĩ tới bức họa “Mona Lisa”: bạn có thể sao chép ra một poster và dán nó lên tường, nhưng poster này tối đa chỉ có giá trị về cảm xúc đối với bạn, trong khi bức tranh gốc vẫn là duy nhất và có giá trị kinh tế vì độ hiếm của nó. NFT cho phép bạn xác thực quyền sở hữu bản gốc với một tài sản số ngay cả khi có hàng triệu bản sao khắp nơi trên mạng Internet.

Khi mua NFT, bạn đang mua lại chứng thực về quyền sở hữu của một tài sản. NFT thường được ứng dụng trong ngành công nghiệp hàng hóa sưu tầm.

Một ví dụ đặt biệt đó là NBA Top Shot, một nền tảng cho phép trao đổi các hình ảnh, video trong game và điểm nhấn của các trận đấu NBA. Khi mua các tệp dữ liệu này, người mua trở thành chủ sở hữu của các ‘khoảnh khắc’ ấn tượng nói trên.

Nghe có vẻ điên rồ, nhưng việc sở hữu các khoảnh khắc trong game, hay bản gốc của các ảnh động meme lại có giá trị cảm xúc lớn đối với những người sưu tầm, và chính giá trị này cùng cảm giác ‘là người duy nhất’ sở hữu một món đồ hiếm là mấu chốt.

NFT được phát minh từ bao giờ?

NFT đã có mặt từ những năm 2012 với các loại tiền mã hóa khác dựa trên Bitcoin, nhưng chúng mới chỉ bắt đầu được chú ý tới từ năm 2017 với sự xuất hiện của CryptoPunk bởi studio game Larva Labs. Đây là một trò chơi sưu tầm với 10.000 ảnh avatar được tạo ra bằng thuật toán. Các ảnh đại diện này có hình dạng người, người ngoài hành tinh, tinh tinh và zombie. Mỗi hình đều đặc biệt và không giống bất kỳ hình nào khác. Nhờ công nghệ NFT, CryptoPunk số 7804 đã được bán với giá 7,5 triệu USD.

Trả lời